Thôn Cư Sinh Hoạt

Chương 8: Đậu nành hầm móng heo

Chương trước

Chương sau

“Tích tích tích…”  tiếng còi xe vang lên phía sau, Tạ Thư Vân vội nghiêng người tránh sang bên để nhường đường cho xe buýt đi qua.

Trên xe có vài người quen, tiếng trò chuyện râm ran không dứt. Có mấy đứa trẻ còn vẫy tay chào cô qua khung cửa sổ.

Cô cũng mỉm cười vẫy tay chào lại.

Mùa hè vừa rồi, mấy đứa nhỏ đó có đến nhà Tạ Thư Vân chơi, nghịch đu dây trong sân.

Từ khi khai giảng, thôn xóm cũng yên tĩnh hơn hẳn.

Tạ Thư Vân nhớ có người từng nói đùa, một người phụ nữ ồn ào bằng năm trăm con vịt, nhưng cô thấy, một đứa trẻ quậy phá có khi còn hơn thế.

Hồi nhỏ, lũ trẻ trong thôn thường tụm năm tụm ba, chạy nhảy la hét khắp nơi, đuổi gà rượt chó, khiến người lớn phải la mắng suốt ngày.

Khi đó, con trai chơi với nhau một nhóm, con gái lại một nhóm riêng, mỗi bên tự chơi theo cách của mình, thỉnh thoảng cũng xô xát, cãi nhau mấy câu.

Nhưng trẻ con mà, không biết để bụng lâu. Hôm trước còn cãi nhau, hôm sau lại vui vẻ chơi chung như thường.

Thỉnh thoảng tổ chức mấy trò chơi lớn cần đóng vai, con trai con gái lại hợp sức cùng nhau chơi đùa.

Tạ Thư Vân hồi nhỏ tuy ít nói, nhưng khi chơi chung vẫn có người gọi cô nhập hội.

Dù gì trong thôn cũng có họ hàng gần xa, không ai cố ý bắt nạt cô cả.

Nghĩ lại, hồi nhỏ thật sự là quãng thời gian vô lo vô nghĩ, ăn rồi chơi, chơi rồi ăn.

Còn bây giờ, ăn uống chẳng thiếu, thời gian rảnh cũng có, nhưng cái tâm trạng tự do hồn nhiên kia lại chẳng còn nữa.

So với thời cô còn nhỏ, trẻ con bây giờ thiệt thòi hơn nhiều.

Nhà nào cũng chỉ có một hai đứa, ai cũng quý như vàng. Chưa học xong ở trường đã phải học thêm, nên trong thôn cũng chẳng còn tiếng trẻ con đùa giỡn vang khắp ngõ như xưa.

Tạ Thư Vân khẽ lắc đầu, gạt mấy dòng suy nghĩ vu vơ ra khỏi đầu.

Từ sau tiết lập thu, trời sáng và chiều muộn đã bắt đầu mát mẻ hơn, cô cũng chuẩn bị đi lật lại ruộng bắp một phen.

Hôm qua, cô vừa cắt xong đám thân cây bắp còn lại ngoài ruộng. Hôm nay định đem chúng ra phơi nắng một chút, rồi tính xem sau này trồng gì tiếp.

Ban đầu cô định để thân bắp phơi khô rồi kéo về làm củi nhóm bếp, ai ngờ lúc về lại gặp người trong thôn nói một câu, thế là tin lan đến tai ông chủ trại nuôi heo ở thôn bên – Đại Thạch. Ông ta lập tức đến hỏi mua về làm thức ăn chăn nuôi.

Nói chuyện xong cô mới biết hóa ra người này lại là bạn học tiểu học với mình.

Hai người ban đầu không nhận ra nhau, may mà anh ấy vẫn nhớ tên cô. Trò chuyện thêm một lúc mới dần nhận ra đối phương là ai.

Trại nuôi heo của anh ta chú trọng nuôi theo kiểu sinh thái, nên hay đi thu gom các loại cây như thân bắp, dây khoai lang, bí đỏ già về cho heo ăn.

Giống như đống thân bắp mà Tạ Thư Vân vừa cắt – vẫn còn tươi, nhiều nước – nếu đem cắt nhỏ ra cho heo ăn thì là loại thức ăn xanh rất tốt.

Số lượng cô có cũng không nhiều, lại là bạn học cũ nên cô không lấy tiền, chỉ cảm ơn anh đã tới giúp vận chuyển, cũng tiện dọn dẹp đống đó cho khỏi chật chỗ.

Không ngờ hôm sau anh ta đã gửi cho cô hai cái móng heo, bọc nilon rồi đặt ngay trước cửa nhà, không cho cô cơ hội từ chối.

Đồ không nhiều, nhưng lại khiến Tạ Thư Vân thấy như quay về thời đổi chác ngày xưa, rất mộc mạc và ấm áp.

Có yếu tố tình cảm trong đó, nên cũng chẳng ai tính toán thiệt hơn, cảm giác này thật ra rất dễ chịu.

Tối qua cô đã ngâm sẵn đậu nành, hôm nay định nấu cùng móng heo, trưa về là có món ăn ngon.

Đậu nành là của Ngô Mẫn Hân cho.

Trang trại của họ thu hoạch đậu nành sớm, hôm Tạ Thư Vân đến chơi thì vừa lúc có một đống đậu phơi khô đang chuẩn bị dọn vào. Biết cô vẫn chưa thu hoạch được, Ngô Mẫn Hân liền đưa luôn cho cô một túi nhỏ.

Chỉ khoảng một hai cân, không đáng giá, nên cũng không khiến cô thấy ngại. Vừa đủ ăn vài lần. Chờ ăn hết, đậu nành nhà cô cũng thu hoạch được rồi.

Ngô Mẫn Hân đúng là người tinh tế, chu đáo.

Tạ Thư Vân tính sau khi dọn xong ruộng bắp hôm nay sẽ thu luôn đậu nành, cắt cả cây đem về, bứt quả ra phơi, thân cây thì đem cho trại nuôi heo.

Thân đậu hay thân bắp phơi khô đều có thể làm củi nhóm bếp.

Nhưng thường ngày, cô hay mang theo dao phát cỏ, tiện tay cắt mấy bụi cỏ dại ở ven ruộng đem về phơi khô. Đó mới là loại củi tốt nhất, dễ cháy hơn nhiều.

Khi Tạ cô mới gả sang nhà họ Tống, mùa đông đầu tiên thiếu củi, bà nội Tạ liền gom củi khô đưa cho con gái, toàn là những thứ Tạ Thư Vân cắt được đem về tích trữ. Về sau hai vợ chồng bắt đầu dùng than đá thì không cần nữa.

Thói quen này của Tạ Thư Vân cũng là do học từ bà nội.

Mùa đông ở Giang Nam ẩm lạnh, bếp củi đốt cả ngày giúp sưởi ấm căn nhà, người ở bên cạnh cũng thấy dễ chịu hơn.

Hồi bé, Tạ Thư Vân từng thấy có ông bà trong thôn mùa đông sẽ dời giường về sát phòng bếp, để hơi ấm lan sang phòng ngủ.

Mùa hè thì dời giường sang bên còn lại cho mát.

Bà nội cô cũng từng sống trong căn phòng bên cạnh bếp. Lúc nhỏ, Tạ Thư Vân ngủ chung với bà.

Sau này lớn hơn, ba cô xây thêm nhà tầng, trong thôn có người xì xào nói ba cô gọi cô về ở là có mục đích.

Bà nội lo sau này bà mất, Tạ Thư Vân một mình không nơi nương tựa, nên muốn cô về sống cùng người thân, bồi dưỡng thêm tình cảm.

Nhưng sau mấy năm sống chung, mẹ kế cô lại xúi ba cô đòi góp tiền sinh hoạt. Cô và mẹ kế cãi nhau một trận rồi dọn lên thành phố thuê nhà sống riêng.

Sợ cô giận mà cắt đứt liên lạc, bà nội liền xin đất của đội sản xuất bên cạnh rồi xây cho cô ba gian nhà.

Bà nói với mọi người là tiền của Tạ Thư Vân bỏ ra, sổ đất cũng đứng tên cô. Bà đã tính sẵn, nhà đó là để lại cho cháu gái.

“Dù sao cũng phải có một cái ổ mà sống.” – đó là câu bà nội nói với Tạ Thư Vân nhiều nhất lúc còn sống.

Khi cô còn nhỏ, có một thầy bói từng nói cô mệnh “lục thân vô duyên, chỉ có thể dựa vào chính mình”, nên bà càng thương cô nhiều hơn.

Về sau khi cô có công việc, lương cao, bà nội cũng khuyên cô mua nhà ở thành phố.

“Nhà quê và ruộng đất bà để lại cho con. Lỡ đâu trên thành phố không sống được, thì còn chốn để về làm ruộng, không đến nỗi chết đói. Còn nếu có nhà ở thành phố, coi như có đường lui. Sau này con có lấy chồng, căn nhà đó để cho thuê cũng có thêm thu nhập.”

Bà nội đã lo hết mọi đường cho cô, đó là sự giúp đỡ lớn nhất mà bà có thể cho cháu gái mình.

Nếu không có ba gian nhà và hai mẫu ruộng ấy, có lẽ cả đời Tạ Thư Vân sẽ chẳng quay lại Tiểu Tạ thôn.

Nghĩ lại, nếu ở thành phố lâu, chính cô cũng không biết mình sẽ trở thành người như thế nào.

Biết đâu đã trầm cảm rồi, hay một ngày nào đó nghĩ quẩn rồi tự…

 

Hết Chương 8: Đậu nành hầm móng heo.

Chương trước

Chương sau

DONATE donate

Bình luận

Trả lời

You cannot copy content of this page